Cổ nhân có câu: “Một ngày vợ chồng bằng trăm năm ân nghĩa”. Thế nên giữa vợ và chồng không chỉ tồn tại chữ tình, mà còn còn tồn tại chữ “nghĩa” và chữ “ân”. Vì ân mà gắn bó, vì nghĩa mà giúp đỡ lẫn nhau. Như câu chuyện sau đây là một ví dụ đẹp nhưng cũng rất đau lòng.
Nằm trên chiếc giường gấp, chị Đinh Thị Lan (trú tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) đang rất yếu ớt, đôi môi tái nhợt, toàn thân sưng phồng, mắt sụp xuống do không đủ tiền chạy thận 3 lần mỗi tuần. Chồng chị tên là Đinh Thuốc.
Mỗi lần chứng kiến căn bệnh “quái ác” hành hạ vợ mình, Thuốc xót xa vô cùng nhưng vẫn phải cố kìm nén cảm xúc của mình và động viên tinh thần vợ. Thuốc cho hay, kể từ ngày giảm lịch chạy thận từ 3 lần xuống còn 2 lần một tuần, thì vợ mình mới bị vậy.
Chuyện tình của Đinh Thuốc và Đinh Thị Lan không được lãng mạn, họ quen nhau hơn 2 tháng rồi quyết định nên duyên vợ chồng. Thế nhưng, cũng bởi quá nghèo mà cặp đôi này chẳng đủ tiền làm vài mâm cơm để tổ chức đám cưới.
Đến với nhau trong sự nghèo khó nhưng Thuốc luôn dành tình yêu thương chân thành nhất đối với Lan, cùng cô vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Chính tình yêu đó đã giúp Lan vượt qua những nỗi đau của căn bệnh suy thận giai đoạn cuối.
Chị Lan đang phải đối mặt với căn bệnh suy thận (Ảnh: Sống Đẹp)
Trước đây, Thuốc đèo Lan trên chiếc xe máy cũ từ nhà đến bệnh viện, băng qua khu rừng với những đoạn đường quanh co, khúc khuỷu nên xe thường xuyên hỏng hóc. Không ít lần chiếc xe của họ chết máy giữa rừng nên khi tới bệnh viện thì đã qua ca chạy thận.
Sau đó, Thuốc quyết định vay ngân hàng để đầu tư lấy một chiếc xe máy, phần còn lại lo tiền chạy thận cho Lan. Cũng bởi hoàn cảnh khó khăn, và thường xuyên phải đưa Lan đi chạy thận nên Thuốc không có công việc ổn định.
Để lo đủ tiền cho Lan chạy thận nên những tờ giấy nợ ngày tăng lên, kèm theo đó là khoản tiền lãi mỗi tháng. “Vay mấy năm rồi mà nợ chồng nợ. Mỗi tháng phải trả tiền lãi 220 ngàn đồng, có tháng không có tiền để trả”, Lan chia sẻ.
Trong căn nhà của vợ chồng Thuốc, chỉ có chiếc quạt bàn và nồi cơm điện cũ là tài sản quý giá nhất. “Nếu mang chiếc quạt và nồi cơm điện cũ mang ra bán đồng nát, không biết có được nổi trăm nghìn?”, Thuốc nói.
Hiện tại, mỗi tuần cứ vào ngày thứ 2 và thứ 6, Thuốc lại dành thời gian đưa vợ đi chạy thận nên những ngày còn lại Thuốc nhận làm mọi công việc để có đủ tiền đưa vợ đi chữa bệnh và trang trải cho con. Thế nhưng, với số tiền công ít ỏi chỉ có 100 – 120 nghìn đồng một ngày. Đi làm 2 ngày mới đủ chi phí một lần chạy thận cho vợ. Nhiều lúc không có tiền, Thuốc phải đi xin bà con hàng xóm.
Anh Thuốc luôn ở bên và chăm sóc vợ mọi lúc mọi nơi (Ảnh: Sống Đẹp)
Lan kể, không ít lần bản thân muốn “đầu hàng” trước số phận: “Bây giờ nếu chết đi em cũng mãn nguyện, bởi Thuốc đã cho em những phút giây hạnh phúc nhất. Em chỉ thương con gái còn nhỏ, đó là điều day dứt nhất”, Lan thều thào.
Thuốc tâm sự: “Với mình, cô ấy là niềm hạnh phúc của hai bố con chứ không phải là gánh nặng”. Thuốc cho hay, có hôm phải mua thêm thuốc bổ, hai vợ chồng chỉ dám gọi một đĩa cơm. Tuy nghèo khó và vất vả, nhưng có Lan và con gái, Thuốc mới cảm thấy hạnh phúc, cuộc sống mới có ý nghĩa.
Phật nói: “Tu trăm năm mới chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”. Hai chữ ‘bạn đời’ không phải ngẫu nhiên mà sinh ra, tất cả đều là sự vun đắp từ hai phía. Ngẫm xã hội thời bây giờ, không phải ai cũng biết trân quý người vợ của mình. Thậm chí nói không ngoa thi những kẻ càng học thức, càng giàu có lại càng xem vợ như áo quần, muốn thay lúc nào thì thay.
Vậy cho nên, ngưỡng mộ lắm tình yêu của anh Thuốc và chị Lan, họ tuy nghèo khó mà bền chặt, họ không nhà lầu xe hơi mà khiến bao người phải cúi đầu ngưỡng mộ. Bởi xã hội thời bây giờ, toàn nói yêu nhau và khoe mẽ trên mạng xã hội rồi về nhà gây sự, đánh đập, chia ly, chứ có mấy ai biết yêu chân thành bình lặng.
Nể nhất vẫn là anh Thuốc, người đàn ông nghèo khó lam lũ mà thương vợ như thương chính sinh mạng của mình. Gặp người khác, chịu không nổi đã bỏ đi từ lâu hoặc tìm bạn đời mới. Nhưng anh vẫn ở bên cạnh chị, gắng được chút nào hay chút đó, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.
Người đàn ông chưa bao giờ xem vợ là gánh nặng (Ảnh: Sống Đẹp)
Ngẫm tình yêu cũng thật lạ kỳ, có kẻ quen biết nhau cả thập kỷ nhưng khi cưới về chẳng thể nào sống chung, nhưng vẫn còn đó những cặp đôi chỉ gặp gỡ vài ba tháng mà vẫn có thể gắn bó suốt cả đời. Suy cho cùng, sự bền lâu không phụ thuộc vào thời gian mà bởi do ý thức sống của mỗi người.
Như anh Thuốc chị Lan vậy, họ tôn trọng hai tiếng vợ chồng theo một cách giản đơn nhất: đó chính sự chia sẻ. Vợ đau ốm thì chồng chở đi khám bệnh, một dĩa cơm nhẹ nhàng chia làm hai, gặp khó khăn thì cùng nhau gánh vác. Họ không phải là nhà văn nhà thơ để nói yêu thương bằng ngôn từ bóng bẩy, nhưng tình cảm họ dành cho nhau còn hơn cả truyện ngôn tình.
Nhưng sao số phận khắc nghiệt quá! Câu nói “cô ấy là niềm hạnh phúc của hai bố con chứ không phải là gánh nặng” không chỉ khiến người vợ rưng rưng nghẹn ngào mà còn khiến cho những ai biết được câu chuyện này, cũng muốn bật khóc theo.
Thôi thì qua câu chuyện của anh chị, mong tất cả chúng ta hãy biết trân trọng gia đình, hãy nhìn vào những thứ mình đang ‘có’ để mà hạnh phúc, chứ đừng chăm chăm nhìn vào những điều đã ‘mất’ mà oán than. Đôi lúc, còn sống và còn khỏe mạnh, đã là điều may mắn nhất trên đời!
Nguồn: Sống Đẹp